TÌM HIỂU VỀ CÁC LOẠI VIỆT PHỤC THÔNG DỤNG: NHẬT BÌNH, ÁO TẤC, NGŨ THÂN TAY CHẼN, GIAO LĨNH – VIÊN LĨNH

Các loại Việt Phục thông dụng

.
Bạn nghe đến các khái niệm như Áo Nhật Bình, Áo Tấc, Áo Ngũ Thân, Áo Tay Chẽn, Giao Lĩnh – Viên Lĩnh, Việt Phục, Việt Cổ Phục, Cổ Phục Nguyễn Triều, … nhưng chưa phân biệt được rõ ràng các loại trang phục này?

Bài viết này dành cho các bạn trẻ, các cặp vợ chồng mới tiếp cận với Việt Phục, để có được bức tranh toàn cảnh và sơ lược nhất về Việt Phục cho thuê tại thời điểm hiện tại. Ngoài ra, cũng để mọi người hiểu rõ thêm về ý nghĩa của các trang phục để thấy tự hào hơn khi mặc các trang phục này.

.

1. Nhật Bình
.
Nhật Bình là thường phục của hoàng hậu, công chúa, triều phục dành cho cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai hoặc cũng được biết đến như lễ phục của các mệnh phụ phu nhân thời Nguyễn. Một trong những người có đóng góp lớn trong việc truyền bá Nhật Bình ra quốc tế và được mọi người biết đến nhiều là Nam Phương hoàng hậu. Nhật Bình chỉ dùng cho nữ, và ngày nay được ưa chuộng sử dụng trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, chụp ảnh vì trang phục sang trọng, đẹp, chi phí hợp lý và tinh thần dân tộc cao. Ngoài ra, làn sóng cổ phong Việt cũng đang phát triển mạnh mẽ, Việt Phục giúp tạo điểm nhấn và tự hào cho bộ ảnh, sự kiện, đám cưới của mọi người.


Một số đặc điểm dễ nhận biết của Nhật Bình là cổ áo hình chữ nhật, có thể có hoa văn, hoặc không có hoa văn. Về màu sắc, trước kia theo điển chế, thì áo hoàng hậu có màu vàng chính sắc, và không có dải ngũ hành ở phần cổ tay áo, áo công chúa có màu đỏ, có dải ngũ hành ở cổ tay áo, ngoài ra còn nhiều màu sắc khác: xích đào, tím, …Ngày nay, từ sự sáng tạo của các tiệm may, áo Nhật Bình có nhiều màu sắc hơn để khách hàng lựa chọn: trắng, hồng, vàng cam, tím …
.
Áo nhật bình nếu may đúng form Việt Cổ Phục xưa thì sẽ có dáng áo hình chuông (hoặc hình chữ A, chữ V ngược), phần thân áo xòe rộng che bụng chứ không chiết eo, áo cũng không có ráp vai, không có cầu vai nên không sợ lộ vai thô, nói chung sẽ rộng và cử động thoải mái, nên rất phù hợp với những người mũm mĩm hoặc đang có bầu.

.
2. Áo Tấc
.
Áo Tấc hay còn gọi là Áo Ngũ Thân Lập Lĩnh Tay Thụng (“Ngũ thân” là áo may từ 5 thân, “Lập lĩnh” là cổ đứng – cổ áo đứng và ôm cổ, “Tay Thụng” nghĩa là ống tay rộng). Áo Tấc là một loại lễ phục trang trọng thời Nguyễn nên cũng có tên khác là áo lễ, áo thụng, mọi tầng lớp đều có thể mặc được.
.


.
Áo Tấc là trang phục dành cho cả nam lẫn nữ, mặc cùng với quần dài. Áo thường có chiều dài đến hoặc quá đầu gối, với cúc cài bên phải (của người mặc). Thân áo mặt trước và mặt sau đều được ghép từ 2 mảnh vải tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (có ý kiến là trời đất, phụ mẫu) qua một đường may nối giữa 2 thân (gọi là đường trung phùng), ngoài ra có một tà áo con nằm ở phía trong, mặt trước tượng trưng cho bản thân người mặc. Theo quan điểm Á Đông, người con luôn được bao bọc, che chở bởi tứ thân phụ mẫu trong suốt cả cuộc đời, bởi vậy, mỗi khi mặc, con người cần nhớ tới đạo hiếu, đạo làm con, phụng dưỡng, đền đáp công ơn cha mẹ. Áo có năm cúc áo thường bằng kim loại, đá, nhựa. Tay áo rộng và dài, thường dài tới hoặc hơn vạt áo, khi chắp trước ngực sẽ tạo thành hình chữ nhật.
.
Áo Tấc có thể có hoa văn (long, phượng, chữ thọ,… ), hoặc may bằng vải sa, tơ, gấm trơn… Áo Tấc có thể được mặc cùng với khăn đóng cho nam hoặc khăn lươn cho nữ. Nếu có thể, nên mặc kèm với một áo ngũ thân lót trong giúp áo ngoài lên dáng hơn, đẹp hơn. Áo Tấc có thể được kết hợp với một số phụ kiện như thẻ bài (cho nam), ngọc đeo áo, vòng cổ, vòng tay,… cho nữ.

.
3. Áo Ngũ Thân Tay Chẽn
.
Áo Ngũ Thân Tay Chẽn về cơ bản là giống với Áo Tấc thời Nguyễn, chỉ đơn giản là ống tay áo nhỏ hơn, ôm vào tay, và dài vừa tới cổ tay (Tay chẽn = tay bó). Áo cũng có đầy đủ các đặc điểm và ý nghĩa như Áo Tấc: Năm thân, năm khuy, đường trung phùng, cổ đứng, …


.
Áo Ngũ Thân Tay Chẽn cũng có thể có hoa văn (long, phượng, … ), hoặc may bằng vải sa, tơ, gấm trơn… và mặc cùng với khăn đóng cho nam hoặc khăn lươn cho nữ. Áo cũng có thể được kết hợp với một số phụ kiện như thẻ bài (cho nam), ngọc đeo áo, vòng cổ, vòng tay,… cho nữ.
.
Nếu Áo Tấc giúp tạo điểm nhấn và ấn tượng cho người mặc, thì Áo Ngũ Thân Tay Chẽn sẽ tiện lợi hơn trong quá trình sử dụng. Áo Ngũ Thân Tay Chẽn có thể xem là tiền thân của áo dài hiện đại ngày nay.

.

4. Áo Giao Lĩnh – Viên Lĩnh
.
Áo Giao Lĩnh (hay còn gọi là Tràng Vạt) là một trong những dạng có lịch sử lâu đời của Đông Á, đây cũng là trang phục phổ biến nhất trong dân gian thời Lý, Trần, Lê.

Áo Viên Lĩnh (hay còn gọi là Đoàn Lĩnh) về cơ bản giống với áo Giao Lĩnh, chỉ khác phần cổ áo là dạng cổ tròn (Viên Lĩnh là cổ tròn) gài cúc bên phải.


Bộ y phục thường gồm 1 chiếc với cổ áo giao nhau (Giao Lĩnh nghĩa là cổ áo giao nhau) trong đó vạt nằm trên sẽ chéo qua bên phải người mặc, đi kèm với một chiếc thường (váy quây) bên dưới. Hoặc, nhiều lớp hơn, có thể gồm một chiếc áo Giao Lĩnh, 1 chiếc áo Viên Lĩnh, xiêm thường, váy thụng và khoác Đối Khâm bên ngoài.

Có 2 dạng Giao Lĩnh – Viên Lĩnh là “vạt dài” (dài quá đầu gối, cả nam và nữ đều mặc được) hoặc “vạt ngắn” (dài không quá thân trên, sau đó quây thường bên ngoài, và thường dùng cho nữ), ống tay áo cũng có dạng tay rộng loe (tay thụng) hoặc tay bó (tay chẽn).
.
.

Nội dung bài viết được hỗ trợ bởi V’style – Việt Cổ Phục Cách Tân, Đông Phong, Thủy Trung Nguyệt, Họa Lý Lai Chân

Việt Phục Hoàng Thành
Gian hàng cho thuê Việt Phục trong nội khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội
📍Vị trí: Cạnh điện Kính Thiên, gần khu vực chuông cổ và canteen.
🌱Open: 8h-17h các ngày trong tuần🌱
☎️SĐT: Mr. Đăng 0982848525
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *