Cổ phục Việt, trong đó có áo dài ngũ thân hiện đang quay lại đời sống đương đại với luồng sinh khí mới. Ngày càng có nhiều người mặc áo ngũ thân trong dịp Tết cổ truyền, lễ hội, hiếu hỉ, thậm chí là dịp ngoại giao với các đối tác quốc tế…
Với sự trở lại mạnh mẽ này đã tạo động lực để nhiều người trẻ lựa chọn phục dựng, từ đó khởi nghiệp và quảng bá áo dài ngũ thân đến nhiều người, lan tỏa tình yêu cổ phục Việt Nam.
Áo dài ngũ thân (hay áo ngũ thân) đã có một hành trình dài trải qua quãng thời gian đầy biến động của thế kỷ 20. Có thời điểm chiếc áo này từng bị xem là biểu hiện của sự cổ hủ, lạc hậu, nên sự phổ biến của nó dần bị thay thế bằng các trang phục âu hóa.
Thế nhưng khi bước sang thế kỷ 21 và đặc biệt là khoảng thời gian vài năm trở lại đây, áo dài ngũ thân đang dần trở lại với cuộc sống đương đại cùng với niềm tự hào về trang phục truyền thống của người Việt Nam.
Nhìn lại, có thể thấy năm 2023 xuất hiện khá nhiều các chương trình, sự kiện nổi bật liên quan đến áo dài ngũ thân. Không quên sự xuất hiện của những đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định, Bạc Liêu đã mang hình ảnh áo dài ngũ thân vào nghị trường; hay các cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài nơi công sở… Các chương trình tọa đàm, trình diễn thời trang lớn nhỏ như: Lễ hội Áo dài du lịch 2023, ngày hội Việt phục Tóc xanh – Vạt áo, chương trình Bách hoa bộ hành… đã góp phần đưa trang phục này đến gần hơn với nhiều người.
Đặc biệt là sự xuất hiện của áo ngũ thân trong các MV ca nhạc hay các bộ phim điện ảnh Việt như “Hồng Hà nữ sĩ”, “Người vợ cuối cùng”, “Kẻ ăn hồn”, “Tết ở làng Địa ngục”… cho thấy phục trang này đang ngày càng thăng hạng và nhận được sự quan tâm của công chúng.
Tại Huế – quê hương của áo ngũ thân – đã và đang tích cực phục hồi và đưa trang phục này bắt nhịp với đời sống đương đại, phấn đấu xây dựng Huế thành “Kinh đô áo dài”. Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồ sơ đề nghị đưa nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài ngũ thân vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong tương lai tỉnh hướng đến xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh Nghề may đo và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nói về tầm quan trọng của di sản áo dài, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải nhận định: “Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong tiến trình hội nhập thế giới, chúng ta càng cần nhận thấy rõ rằng văn hóa là yếu tố để nhận diện quốc gia, dân tộc, trong đó trang phục chính là sự nhận diện đầu tiên và dễ thấy nhất”.
Thật vậy, việc mặc cổ phục Việt không những lưu giữ giá trị của trang phục truyền thống mà còn là “phương tiện” để ngoại giao văn hóa. Bằng chứng là Bộ Ngoại giao đã từng thử nghiệm việc mặc áo dài ngũ thân để tiếp đón bạn bè quốc tế.
Các đại sứ Việt Nam nói riêng và những người trong ngành ngoại giao Việt Nam nói chung đã mặc áo dài nhiều hơn tại các hoạt động của sứ quán ở nước ngoài. Tiêu biểu phải kể đến ông Ngô Hướng Nam – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Vương quốc Hà Lan, ông Trần Ngọc An – nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Anh…
Trong bối cảnh hội nhập với xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa, sự trở lại mạnh mẽ của áo dài ngũ thân trong thời gian qua là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chung tay góp sức của những người yêu di sản áo dài Việt Nam. Đó không chỉ là sự đi trước mở lối của những đơn vị quản lý, những nhà nghiên cứu mà còn là sự cống hiến của những bạn trẻ với niềm đam mê, dám nghĩ dám làm để phục dựng và quảng bá nét đẹp trong tà áo ngũ thân.
Trải nghiệm trang phục truyền thống của Việt Nam tại triển lãm “Hành trình vàng son” ở Nam Phi.
Gần đây, với nỗ lực của nhiều tổ chức cá nhân, đặc biệt của những người trẻ yêu truyền thống, những cụm từ như áo Tấc, Nhật Bình, Ngũ thân, Giao Lĩnh, áo viên lĩnh, Phượng bào triều Nguyễn… đã được nhiều người biết đến hơn.
Chiếc áo dài không chỉ đơn thuần là một loại trang phục mà nó còn chứa đựng cả một bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý và quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức, tinh thần dân tộc của người Việt Nam.
Riêng với áo dài ngũ thân, theo ông Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt, giá trị truyền thống của áo dài ngũ thân thể hiện sự khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc, thẩm mỹ tinh tế… Chính chất liệu truyền thống đặc trưng đó đã khơi dậy trong trái tim những người yêu văn hóa truyền thống nguồn sức mạnh để phục dựng cổ phục, từ đó tạo đà cho sáng tạo khởi nghiệp.
Thực tế đã có không ít người trẻ lựa chọn đồng hành cùng áo dài ngũ thân để phát triển sự nghiệp. Một trong số đó phải kể tới đơn vị như Ỷ Vân Hiên – thương hiệu cổ phục do Nguyễn Đức Lộc sáng lập. Lĩnh vực hoạt động của Ỷ Vân Hiên hướng đến bốn mục tiêu: nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước; tư vấn về văn hóa. Với bốn mục tiêu này, anh Nguyễn Đức Lộc mong muốn sẽ phục hưng văn hóa truyền thống, đưa cổ phục trở lại đời sống hiện đại.
Đoàn người tham gia diễu hành trang phục truyền thống như: áo dài, áo tấc, áo lễ truyền thống… trong sự kiện Bách hoa bộ hành 2023.
Các đơn vị trên hầu hết đều do các bạn trẻ sáng lập. Tuy nhiên không dừng lại ở phục dựng, những người trẻ còn khởi nghiệp từ vốn văn hóa, xây dựng nên các thương hiệu cung cấp dịch vụ tư vấn, may đo và cho thuê áo dài, cổ phục Việt để quảng bá và tạo sức sống cho trang phục dân tộc.
Không chỉ dừng lại ở trong nước, sức sống của áo dài ngũ thân hay các mẫu cổ phục khác còn được các bạn trẻ giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Trong khuôn khổ Ngày Việt Nam ở nước ngoài cuối tháng 12/2023, lần đầu tiên những bộ trang phục cổ của Việt Nam được trưng bày tại triển lãm “Hành trình vàng son” tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản.
Theo nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Nga – người sáng lập Công ty cổ phần Vạn Thiên Y, đơn vị phụ trách giới thiệu cổ phục Việt tại sự kiện này thì đây là cơ hội để những người trẻ như chị được giới thiệu, lan tỏa những giá trị của mỹ thuật Việt trong những bộ trang phục có tính ứng dụng cao, với mong muốn được tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống qua một góc nhìn hiện đại.
Có thể thấy, khi nhìn lại gần một thế kỷ trôi qua, áo dài ngũ thân đã đi qua một hành trình, từ thân thuộc, đến lạ lẫm, rồi bắt đầu thân quen.
Trong tâm thức của nhiều người, chiếc áo dài ngũ thân đã dần trở thành hình ảnh đại diện cho văn hóa trang phục Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc đưa trang phục cổ Việt Nam trở lại với đời sống đương đại, giúp cổ phục có vai trò và đời sống riêng sẽ góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là hướng thế hệ trẻ theo hướng trân trọng và tôn vinh nét đẹp cổ truyền, góp phần vào sự phát triển của đất nước, khẳng định nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc trên trường quốc tế.
Nguồn: Báo Lào Cai